Trầm Vân
Thân gửi quý vị xem. Chúc an vui. TV


Nếu Em Là Sóng

Nếu em là sóng Hậu Giang
Tôi là trăng rải mơ màng Cần Thơ
Ninh Kiều sóng vỗ đôi bờ
Đò qua cồn Ấu thẫn thờ gió sương

Nếu em là sóng sông Hương
Tôi con đò nhỏ gió luồn thương yêu
Dạt dào đỉnh Ngự thông reo
 Buổi chiều khua nhẹ mái chèo thiên thai 

Nếu em là sóng Đồng Nai
Tôi là cầu Mát tựa vai Biên Hòa
Ru làn mây trắng bay qua
Vòng vèo những giọt nắng hoa nghiêng tình

Nếu em là sóng lung linh
Sông Sài Gòn gió nép mình lứa đôi
Tôi là nỗi nhớ bồi hồi
Về ngang bến hẹn đưa nôi câu thề

Chớ buồn sóng gió bốn bề
Đò tôi lạc giữa lê thê mưa mù
Hãy là con sóng nghiêng mơ
Tình tôi thương nhớ che dù tình em

 Trầm Vân

 

****************************


Đúng ngày 9/7, ngày mà Brazil thua thảm hại 7-1, GS Nguyễn Thành Tương gởi cho mình một bài phân tích tuyệt vời. Xin trân trọng giới thiệu cùng quí bạn hữu. 

 

MỘT SỐ DANH HIỆU VÀ CÁCH XƯNG HÔ TRONG THỜI PHONG KIẾN

*******

 

Trong thời phong kiến, nền văn hóa của Việt nam ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn hóa Nho giáo của Trung quốc, mà theo Khổng tử - cha đẻ của Nho giáo – thì mọi sự trước hết cần phải có sự “chính danh”. Ngày nay, trong Vương quốc Hồ Ngọc Cẩn  của chúng ta (Trường trung học thuở học trò của tác giả), chính “Quan Ngự sử”Phạm Quang Bình cũng đã từng nhắc nhở các thần dân là phải sử dụng cho đúng những danh xưng kẻo gây ra những hậu quả không hay, danhchính thì ngôn mới thuận mà! Vâng, xin lĩnh ý Ngài, vậy hôm nay kẻ hèn này mạo muội đem chút hiểu biết thô thiển về các danh xưng thủa xưa để trình làng, không mong gì hơn là được các bực cao mình trong Vương quốc chỉ giáo cho!

* Trước hết là danh xưng dành cho vua chúa. Thủa xưa, đấng chí tôn trong thiên hạ này thường được tôn xưng là Hoàng đế. Danh xưng này bắt đầu có từ đời Tần Thủy Hoàng.

Thủa xưa, người Trung quốc rất tôn sùng Tam Hoàng Ngũ Đế, tức là ba vị Hoàng (Bàn Cổ, Phục Hy, Thần Nông) và năm vị Đế (Đế Nghiêu, Đế Thuấn. . .). Đến khi Doanh Chính lên ngôi ở nước Tần, ông ta tự cho mình có sự nghiệp lớn hơn cả Tam Hoàng Ngũ Đế nên tự phong cho mình danh hiệu Hoàng Đế, vua tự xưng là Trẫm và gọi quần thần là các Khanh.

Các đời vua sau này cũng dùng danh xưng là Hoàng đế; tuy nhiên trong lời lẽ khiêm tốn, Hoàng đế thường tự xưng là Quả nhân – ý nói mình là kẻ kém phúc đức nên luôn luôn phải chịu cảnh cô đơn (quả nghĩa là đơn độc)! Với các Vương hầu như Lưu Bị (Hán Trung vương) hay Tào Tháo (Ngụy vương), họ thường tự xưng là (cô đơn) cũng do ý nghĩa như vậy.

Vua là Thiên tử, là bậc chí tôn nên trong nước không có ai dám nói chuyện ngang mặt với vua cả, vì thế khi cần nói gì với vua, họ chỉ dám “tâu” với cái bệ dưới chân vua mà thôi, vì thế mới có từ ngữ Bệ hạ. Với các đấng Vương hầu, người ta cũng chỉ dám nói chuyện với bực thềm cung điện của các vị này mà thôi – vì thế mới có danh hiệu Điện hạ. Còn trong đám bằng hữu, để tỏ lòng ngưỡng mộ nhau, họ thường dùng danh xưng Túc hạ - ngụ ý mình chỉ dám nói với bàn chân của người đối diện mà thôi!

* Danh xưng dành cho con cái vua. Con trai của vua thì được gọi là Hoàng tử, còn nếu hoàng tử đó sẽ nối ngôi thì được gọi là Thái tử, danh xưng này dễ hiểu, ta khỏi cần bàn thêm.

Đáng nói thêm ở đây là danh xưng Công chúa dành cho con gái vua. Con gái vua lớn thì phải gả chồng, tuy nhiên một đấng Thiên tử thì làm sao có thể đóng vai trò “anh xui” với bầy tôi hoặc thậm chí với thứ dân cho được? Vì thế khi gả chồng cho con gái, vua phải nhờ một trong ba vị Tam Công (một chức quan lớn nhất trong triều) đứng ra chủ hôn thay cho vua; ta nên nhớ là chữ Chúa có âm gốc là Chủ (Chủ nhật = Chúa nhật). Vì vậy, Công chúa (đọc đúng là Công chủ) chỉ có nghĩa là một cô gái xứng đáng được chủ hôn bởi các vị Tam Công mà thôi! Mấy đồng chí “cán cuốc, cán thuổng” cùng với vài nữ đồng chí “cán mai” dốt chữ mà lại hay ba hoa đã từng hùng hồn kết án “Bọn phong kiến ngày xưa nó coi thần dân là cỏ rác, nên con gái của nó thôi mà cũng được làm chúa cả thiên hạ!” rõ thực là chỉ làm trò cười cho các bậc thức giả!

Với các con gái của những vị Thân vương, người đứng chủ hôn chỉ cần là một chức Quận công thôi, nên họ được gọi là Quận chúa; thí dụ: con gái của Nguyễn Kim có danh xưng là Quận Chúa Ngọc Bảo (sau này được gả cho Trịnh Kiểm).

Trên đây chỉ là một vài nét phác qua về các danh xưng trong thời phong kiến xa xưa, dĩ nhiên các danh xưng này cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Nếu bạn nào thích xem phim cổ trang Trung quốc như Hoàn Châu cách cách chẳng hạn, thì hẳn sẽ nghe thấy nhiều danh xưng lạ lẫm như A ca, cách cách, A ma Hoàng . . . . đó chỉ là những danh xưng dành cho Hoàng tộc nói theo ngôn ngữ Mãn Châu mà thôi.

Trong triều Nguyễn là triều đại cuối cùng ở Việt nam, các danh xưng trong triều đình cũng không còn giống lắm so với các danh xưng nguyên thủy danh cho vua chúa. Theo một số nhà học giả, thì cách xưng hô thường ngày trong cung đình triều Nguyễn mang nhiều tính chất dân gian hơn nếu so với cách xưng hô trang trọng trong các triều đình xưa đóng đô ở miền Bắc. Khi nào thiết triều thì vua mới gọi bầy tôi là “các khanh”, cỏn bình thường chỉ gọi là “các ngươi” – đôi khi còn gọi là “các thầy” để tỏ ý rất trân trọng. Trong hoàng tộc, những người đàn ông vai vế ngang nhau thường gọi nhau là “yêng” đúng ra là “anh” nhưng vì chữ “anh” gần với tên húy của vua Gia Long (Nguyễn Ánh) nên mới gọi chệch đi là “yêng”. Còn vua thì chỉ gọi mẹ là “Ả” chứ không dùng từ “Mẫu hậu” như trong triều đình Trung hoa.

Trước đây, kẻ hèn cũng có điều thắc mắc là là tại sao các nhân vật quý phái trong hoàng tộc triều Nguyễn lại thường được gọi là “Mệ”, từ ngữ “Mệ” nghe gần giống như là “Mẹ” trong khi đó từ này cũng được dùng cho cả đàn ông!   May mắn thay, nhờ  “Hôn quân” Trần Đức Vịnh có quan hệ thân thiết với nhiều “Mệ” ở trong Nguyễn Phước tộc nên đã tìm giúp cho được lời giải đáp.  Theo một nhân sỹ trong Nguyễn Phước tộc hải ngoại cho biết,  từ ngữ  “Mệ” phát sinh từ thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, xin trích :  “….vì Võ Vương sinh nhiều con trai nhưng khó nuôi, chết sớm, nên dùng cách gọi con gái để ma quỉ khỏi làm hại. Người xưa tin rằng con nít sinh ra, nhất là con trai, nếu xinh xắn mà lại mang tên hay, tên đẹp thì dễ làm cho ma quỉ chú ý, ham thích, mà bắt đi. Vì vậy, phải chê xấu, phải dùng tên xấu để gọi ở nhà, còn tên chính thức chỉ dùng khi trưởng thành. Từ đó trở thành nề nếp, hễ con vua cháu chúa, trai, gái gì cũng gọi là Mệ hết. Ban đầu thì người ta dùng chữ Mệ để gọi con của các ông hoàng bà chúa, và dùng chữ Mụ để gọi con của các Mệ, nhưng về sau thì dễ dãi, muốn gọi Mụ hay Mệ đều được cả. “  

Cũng theo một nhân sỹ trong Nguyễn Phước tộc cho biết, từ ngữ “Mệ” ban đầu chỉ dành cho con cháu thuộc “Đế hệ” (thuộc dòng dõi chính của vua Gia Long chứ không dành cho “Phiên hệ” (con cái của anh em vua Gia Long) hoặc “Bàng hệ” (con cháu của chú bác vua Gia Long – được gọi chung là Tôn Thất), nhưng hiện nay các thành viên của Nguyễn Phước tộc có xu hướng dùng từ ngữ này để xưng hô với nhau, bất kể vai vế hay “hệ” nào.

Với “Đế hệ” thì vua Minh Mạng có đặt một bài thơ để cho con cháu các đời sau cứ theo đó mà đặt tên cho các người trong hoàng tộc để họ dễ  nhận ra vai vế, thứ bực của nhau.  Bài thơ đó gồm 20 chữ như sau:

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh,

Bảo Quý Định Long Trường.

Hiền Năng Kham Kế Thuật,

Thế Thụy Quốc Gia Xương.

Thí dụ tên vua Thiệu Trị là Miên Tôn, vua tự Đức là Hồng Nhậm, vua Hàm Nghi là Ưng Lịch, vua Thành Thái là Bửu Lân, vua Duy Tân là Vĩnh San.   Ta nên lưu ý rằng những từ ngữ đó thực ra chỉ là tên lót (middle name) mà thôi.  Thí dụ vua Bảo Đại có tên là Vĩnh Thụy – nhưng nếu gọi cho đầy đủ phải là Nguyễn Phúc (Phước) Vĩnh Thụy.  Tương tự như vậy, ở Việt Nam không hề có “Họ” Tôn Thất, vì Tôn Thất cũng chỉ là middle name, họ của các vị mang tên Tôn Thất . . . phải là Nguyễn Phúc (Phước).

Bài thơ của vua Minh Mạng lựa toàn chữ hay trong thuật chăn dân trị nước của các vị đế vương, chỉ tiếc là kể từ đời Thiệu Trị trở đi mới dùng được có một dòng (từ Miên đến Vĩnh) là Triều Nguyễn đã bị xóa sổ!

Sau này, có một gia tộc danh giá ở Miền Bắc là gia tộc cụ Dương Khuê cũng bắt chước vua để đặt ra một câu lựa toàn chữ tốt để cho con cháu theo đó đặt tên.  Câu của cụ Dương Khuê là:

“Tự Thiệu Hồng Nghiệp Vi Bang Gia Cơ”

Như vậy thì cụ thân sinh ra nhạc sỹ Dương Thiệu Tước phải có tên là Dương Tự . . . còn những ai mang tên Dương Hồng. . .  đương nhiên là thuộc hàng con hoặc cháu của Nhạc Sỹ.

Trong xã hội, đặc biệt là trong giới Nho gia trí thức thì họ xưng hô với nhau như thế nào? Các bạn mê xem phim chưởng Hồng Kông hay ham đọc chuyện “chưởng” chắc hẳn sẽ nghĩ rằng người Trung quốc xưng hô với nhau quá lịch sự nào là “túc hạ”, “đại huynh”, “đại nhân”, “quân” . . . và còn nhiều từ ngữ khác nữa, và như vậy người Trung quốc nói năng “lịch sự” hơn dân Việt nam ta nhiều – có đúng không? Xin thưa ngay rằng đó chỉ là những cách xưng hô ngày xưa thôi, còn bây giờ, trong lúc chuyện trò bình thường họ chỉ dùng có hai từ đơn giản là “tao, mày” mà thôi– đúng thế đấy, nếu ta dịch “mot à mot” hai chữ “ngộ” và “nị” trong tiếng Quảngđông ra tiếng Việt (trong tiếng Quan thoại Bắc kinh là “wo” và “ni”), chỉ khi nào cần tỏ ra rất trân trọng người đối thoại thì người ta mới dùng từ “nin”thay cho “ni” mà thôi! Xem như thế, thì dân ta lịch sự hơn dân Tàu nhiều vì trong lúc đối thoại bình thường, tùy theo vai vế, tuổi tác, sự tôn kính hay sự thân mật (hay cả sự khinh ghét), chúng ta có cả hàng chục từ ngữ xưng hô khác nhau mà cách sử dụng thích đáng các từ ngữ này cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công trong giao tiếp (và dĩ nhiên là sẽ gặp thất bại trong trường hợp ngược lại).

Trong giới Nho gia Việt nam thủa trước, các nho sinh thường chỉ gọi nhau là “anh”, thảng hoặc khi nói năng khách sáo lắm thì nho sinh mới gọi người đối thoại là“tiên sinh” và tự xưng mình là “lãn sinh” (kẻ học trò lười biếng). Với các người đi thi thủa xưa, trong khi làm bài thi, thí sinh phải tự gọi mình là “sỹ” tức là “kẻ học trò này” mà chữ “sỹ” đó phải viết nhỏ hơn so với các chữ bên cạnh, nếu quên điều này thì thí sinh sẽ bị đánh rớt vì tội “bất khiêm”.

Nói lại chút chuyện xưa cho vui thế thôi, chứ còn trong thời đại internet hiện nay thì ta nên xưng hô với nhau thế nào cho phải phép? Trong vương quốc Hồ Ngọc Cẩn của chúng ta (một triều đại “Phong kiến” mới được thiết lập từ ngày 1/4/2012 – April’s foool day!) đã có một tiền lệ kể cũng khá độc đáo là anh em hay gọi nhau là “Cụ” trong các email gửi cho nhau– nếu hiểu theo ý nghĩa “Bắc kỳ” của nó thì cũng thấy hay hay! Còn nếu như trong lúc gặp mặt nhau thì sao? Thiết nghĩ không gì thân thương, ấm áp bằng hai tiếng “mày, tao” như chúng ta vẫn thường xưng hô với nhau như nửa thế kỷ trước đây; thử hỏi còn có cách nào gợi nhớ cho ta thật nhanh chóng về thủa học sinh đầy hoa mộng hơn là được nghe quanh ta những tiếng “mày, tao” thân thuộc thủa nào! 

NGUYỄN THÀNH TƯƠNG



*******************************


Anh Thiếu Khanh vừa gởi cho mình bài viết rất hay của Trần Mộng Tú về NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT, cùng lúc với GS Nguyễn Thành Tương và bài CHÚT PHIẾM LUẬN VỀ TỪ HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT NAM. Hai bài đều rất hay, người Việt mình thiết nghĩ, cũng nên biết tới.

 

* 

NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT

Trần Mộng Tú

 

Lời ru thành ngọn gió đưa 
Quạt anh ve vuốt giấc mơ vợ hiền
Chìa tay anh, em gối lên
Xõa ngực anh, mái tóc mềm của em. (Dân Ca)

Câu dân ca trên hoàn toàn tiếng Việt. Người Việt nào hát lên và người Việt nào nghe cũng hiểu ngay và thấm thía cái âm hưởng của tiếng hát, thưởng thức cái ý nhị trữ tình của nội dung.

Nhưng đó không phải là dân ca Việt Nam, đó là dân ca của người Khờ-me (Khmer)

Câu hát nói về một tiếng gió và tình yêu vợ chồng. Chúng ta thử xem có bao nhiêu ngôn ngữ của người dân vùng Đông Nam Á (ĐNÁ) dùng chữ “GIÓ” để gọi gió.

Mường: k-juó
Thái: wa-du / wa-giu/ph- giú/ kh-glol (chặp kh-glol là bắt gió/cạo gió)
Lào: ph-gio
Kmer: kh-gio-l/via-gio/wa-giu/ph-gio
Hmong: t-zuó, chjuó

Và người Yao thì dùng ngay chữ “GIÓ” để gọi gió

Nếu ta mở đến chữ “GIÓ” trong vần “GI” của tập Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt –Tác giả BS-Nguyễn Hy Vọng ra thì ta sẽ thấy đến 20 dân tộc của vùng ĐNA nói chung một tiếng GIÓ.

Rồi đến câu chúng ta hay nói thường ngày như: “Săn sóc sức khỏe.” Chúng ta nói mà chưa bao giờ tìm hiểu chữ “săn sóc” ở đâu mà ra. Có bao nhiêu dân tộc cùng dùng bốn chữ này, hiểu một nghĩa và phát âm một cách như chúng ta.

Khi người Thái nói: săn-t là theo dõi (như đi săn con mồi) thì người Khmer nói: sok là sức khỏe.

Để rồi người Thái, Lào, Miên, Khmer đều nói: Sănth-sok hay là Săn-tỉ s-sok và
tới tiếng Việt trở thành: Săn sóc sức khỏe.

Chỉ hai chữ đơn sơ đó, cộng chung lại thành một cấu trúc ngôn ngữ tuyệt vời của vùng ĐNÁ.

Bây giờ chúng ta đọc câu thơ của thi sĩ Định Nguyên sau đây:

Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng
Như đếm tình anh nỗi nhớ chung (Định Nguyên)

Ta thử dịch dòng thơ đầu bằng ngôn ngữ của những người bạn láng giềng khác nhau, khi đọc lên ta có nhận được ra không?

Đêm đêm: pđăm pđăm (Chàm)
anh: eng (Lào)
đếm tém (Hmong)
sầu riêng thô-riên (Thái)
rụng ch-ruu (Khmer)

Cả câu dịch đọc lên, nếu ta lắng nghe bằng cả tâm hồn:

Pđăm pđăm eng tém thô-riên ch-ruu.

So sánh với: Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng

Ta sẽ thấy cái âm phát rất gần với tiếng Việt mình.

Điều đó chứng minh cho ta thấy rõ tiếng Việt và các tiếng nói trong vùng ĐNÁ có liên hệ mật thiết với nhau.

Một con người với một tâm hồn yêu chữ nghĩa nói chung và tiếng Việt nói riêng đã để ra 31 năm (1981-2012) trong đời mình để tìm hiểu đến nơi đến chốn về nguồn gốc, liên hệ của tiếng Việt với các tiếng nói của những dân tộc láng giềng.

Nếu nói tuổi thọ của một người là 100 năm như ta vẫn chúc nhau (mà mấy ai có được) thì con người này đã bỏ ra 1/3 đời mình cho “Tiếng Nước Tôi”

Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng kể lại những năm đầu dọn tới Seattle từ thủ đô DC (1980)
Khi mở phòng mạch khám bệnh. Một ngày ông chỉ khám được có hai, ba bệnh nhân, vì khám bệnh cho toa xong ông ngồi nghe họ nói tiếng Lào, tiếng Miên, tiếng Kampuchia. Ông nhận thấy khi họ nói chuyện với nhau có quá nhiều tiếng Việt trong ngôn ngữ của họ. Thế là có ngay những giờ “Bệnh nhân dạy bác sĩ”. Dậy ngôn ngữ của họ: Lào, Miên, Thái, Nùng và cả tiếng Hoa.


Là một người yêu chữ, ông để tâm vào việc học hỏi và sưu tầm về nguồn gốc của tiếng Việt qua 57 ngôn ngữ của miền nam Á và ĐNÁ với 275 ngàn tiếng một (từ vựng) đồng nguyên. Ông bắt tay vào công việc này từ năm 1981 đến năm 2012 thì bộ sách hoàn thành và đến nay, ông vẫn tiếp tục bỏ ra bao nhiêu tâm huyết cho một công trình bạc tóc và nặng trĩu ngàn cân đó.

Ông đã chứng minh cho thấy tiếng Việt pha trộn giữa các nước láng giềng như Chàm, Khmer, Lào, Thái, Mã Lai, Mường v.v nhiều hơn là pha tiếng Tầu như trước đây ta vẫn tin như thế (Những Nẻo Đường Tiếng Việt-trang 232).

Ông cũng đã về Việt Nam, đến Ninh Bình học tiếng Mường một thời gian. Nhờ có người cháu nói được tiếng Mường nên ông học rất nhanh. Bây giờ ông có thể nghe và nói ngôn ngữ này. Ông cho biết ở quê nhà, những vùng như Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rất nhiều tiếng Việt lồng trong tiếng Mường.

Ông cũng chứng minh, chính tiếng Tầu là tiếng vay mượn của nhiều tiếng nước khác có gốc của tiếng Sanskrit, (Ấn Độ), Pali, Hy Lạp, Turkey, v.v. Nhưng đặc điểm của người Tầu là không bao giờ nói mình vay mượn của ai, không bao giờ nhắc tới và sau một thời gian nhận luôn là của mình. (NNĐTV- trang 166)

Bây giờ sau đúng 33 năm, bộ "Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt" sẽ được ra mắt nhiều nơi trên nước Mỹ. Bắt đầu từ tháng 5. Khởi đầu từ miền Nam California, nơi tác giả cư trú, đến Seattle, Oregon và sẽ tiếp tục đi lên miền Đông nước Mỹ, sau đó sẽ qua Pháp.(Nơi tập Từ Điển đã được bảo trợ danh dự của Đại Thư Viện Quốc Gia)

Hãy hình dung ra hình ảnh một người đàn ông trọng tuổi, gầy gầy, tóc bạc phau, đang gánh hai bồ sách ở hai đầu quang gánh leo lên những ngọn đồi trong một sáng mù sương trước mặt, hoặc quang gánh trở xuống từ một con dốc với một quả mặt trời đỏ rực đang lặn sau lưng. Ông không nghĩ là mình đã làm một việc quá nặng nhọc, ông chỉ biết làm với cả tấm lòng cho Tiếng Việt của mình.

Cong lưng gánh chữ lên đồi
Mới hay gánh cả mặt trời trên lưng (tmt)

Chúng ta, người Việt Nam, yêu quê hương cũng như yêu ngôn ngữ của mình. Hãy đến mặt đối mặt, tay cầm tay với tác giả để nói lên lòng cảm phục và quý mến một con người tận tình với tiếng Việt. Hãy đến chạm tay vào bộ "Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt", để nghe sự rung động trong hồn mình.

Ta cũng noi gương tác giả cong lưng vì chữ, mang bộ Từ Điển 5 kí về nhà làm quà cho chính mình “A gift for soul”

"Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt" là một món quà lạ lùng và tuyệt vời cho những người ta quý mến.

Món quà ta tặng mà không phải chọn ngày đặc biệt nào cả vì khi người nhận được sách sẽ tự thấy mình đặc biệt biết bao.


Trần Mộng Tú,
Ngày 6 tháng 7 năm 2014

 

****************

CHÚT PHIẾM LUẬN VỀ TỪ HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT NAM

GS NGUYỄN THÀNH TƯƠNG

Nền Văn hóa truyền thống của Việt nam ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề của nền Văn hóa Trung quốc thời Phong kiến.  Cũng giống như trong hai nước bạn thuộc vùng Đông Á như là Nhật Bản và Hàn Quốc, tư tưởng Khổng giáo đã ghi một dấu ấn rất đậm nét trong nền Văn hóa của ba nước, gây nên rất nhiều điểm tương đồng trong nền Văn hóa của những nước này.  Một dấu ấn mạnh mẽ nhất ta thấy được là thủa xưa, cả ba nước đều đã dùng chữ Hán của Trung quốc như là ngôn ngữ bác học chính thức cho nước mình, vì thế các cụ xưa đã gọi Trung, Nhật, Hàn là các nước “Đồng văn” nghĩa là dùng Hán tự là chữ viết chính thức chung.

Ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo gây ra những ảnh hưởng tốt, xấu như thế nào cho dân tộc ta? điều này phải dành cho các bậc học giả cao minh lên tiếng chứ chúng ta không dám lạm bàn.  Trong bài viết này, chúng tôi chỉ dám ”lan man” đôi điều về vai trò của những từ Hán Việt trong ngôn ngữ của chúng ta mà thôi.

Ở đây, chúng ta cần khẳng định trước một điều là khi dùng từ “Hán Việt” không có nghĩa là ta dùng “Tiếng Tàu”.  Từ Hán Việt đúng là những từ ngữ phát xuất từ Trung quốc nhưng khi sang đến Việt Nam thì ông cha chúng ta đã đọc theo kiểu của mình – chắc chắn là dựa trên cổ âm đời Hán – Đường của Trung quốc;  cách phát âm những từ Hán Việt này hiện đã khác biệt rất xa so với cách phát âm của những từ đó theo ngôn ngữ chính thức của Trung quốc là tiếng Phổ thông (còn gọi là Quan thoại – tức là Mandarin Chinese).

Theo thống kê của các nhà ngôn ngữ học thì hiện nay, trong ngôn ngữ thường dùng của Việt Nam ta vẫn chứa khoảng 65% từ Hán Việt, vì thế việc sử dụng từ Hán Việt đến mức độ nào, trong ý nghĩa như thế nào là điều mà dân ta – nhất là trong giới trí thức - phải quan tâm.

Trước hết, ta hãy thử bàn về là tỉ trọng của những từ Hán Việt trong tiếng Việt nam. 

Ta phải thừa nhận rằng những từ Hán Việt đã làm cho tiếng Việt Nam trở nên phong phú, hàm xúc, đẹp và thêm phần trang trọng, nhất là trong ngành Văn học, Luật học, Kinh tế học và cả ngành Khoa học tự nhiên, việc sử dụng đúng mức các từ Hán Việt trong ngôn ngữ là rất cần thiết.

Trước đây, đã có vài người quá khích, nói rằng Việt nam mình đã có “Tiếng ta” – ý nói là những “Chữ Nôm” – thì nên bỏ quách những từ Hán Việt cho đỡ rườm rà và làm tôn vinh cho niềm tự hào dân tộc!  Thiết nghĩ, đó chưa hẳn đã là một ý kiến hay.  Trong tiếng Anh và tiếng Pháp có biết bao nhiêu từ gốc Latinh hoặc Hy lạp mà dân Anh, Mỹ và Pháp đâu có cảm thấy bị “mất quốc thể”;  hơn nữa trong một số trường hợp, sự thay thế từ Hán việt bằng chữ Nôm lại gây ra nhiều điều bất cập làm cho ngôn ngữ trở thành thiếu trong sáng hoặc ngây ngô!  Xin dẫn ra đây vài thí dụ:

Một tờ báo mở ra trang “Chuyện Phụ nữ” thì đó là một trang báo nghiêm túc bàn về những việc chị em bạn gái quan tâm;  nhưng nếu ta đổi tên trang báo là “Chuyện đàn bà” thì nó lại ra vẻ là những câu chuyện tào lao ngồi lê đôi mách!

Khi nói về bầu trời mà một quốc gia có chủ quyền (air space) thì trong Công pháp phải gọi đó là “Không phận” cho nghiêm túc, chứ nếu gọi là “Vùng trời” thì nó lại mang tính hơi lãng mạn chỉ thích hợp cho Văn chương.

Trong Hải quân thuật ngữ “Tuần dương hạm” là để chỉ những chiếc Cruiser, đó là những con tàu có tải trọng, vũ trang. . . . đạt tới một mức quy ước nào đó và có những nhiệm vụ nhất định trong hạm đội;  chứ nếu gọi là “Tàu tuần biển” thì e rằng một chiếc tàu đánh cá mang theo vài khẩu liên thanh chạy dọc bờ biển để săn bắt buôn lậu thì cũng có thể được mang danh hiệu này!

Trong ngành Khoa học thì khó có thể cho ta thay thế những thuật ngữ giao thoa, nhiễu xạ, gia tốc, đạo hàm, loài lưỡng thê (hoặc lưỡng cư). . . .  bằng chữ Nôm của ta được!

Đó chỉ là một vài thí dụ để cho ta thấy vai trò không thể thay thế của những từ Hán Việt trong tiếng Việt nam ta.  Nhưng mặt khác, việc lạm dụng từ Hán Việt trong ngôn ngữ cũng lại gây ra những mặt tai hại của nó : những từ ngữ đó có thể làm cho ngôn ngữ của ta trở thành nặng nề, tối nghĩa hoặc là quá ư kiểu cách.

Trước đây ở Saigon, có nhà văn Vi Huyền Đắc, cụ này dịch thuật rất nhiều truyện hay của Trung quốc sang tiếng Việt;  tuy nhiên khi đọc vài truyện dịch của cụ thì ai cũng thấy “phát ớn” với những câu văn đầy rẫy những từ Hán Việt (trong đó có những từ chưa nghe ai nói bao giờ!).  Thí dụ : cái góc nhà thì gọi là “bích ngung”, sàn nhảy dancing thì gọi là “vũ sảnh”, điệu nhảy tango thì gọi là “Thám qua vũ điệu” (chắc là cụ dựa theo cách người Hoa chuyển âm chữ tango thành thám qua).

Dùng tới mức độ nào là thích hợp? đây lại là việc lớn, xin để dành cho các bậc học giả cao minh, chúng ta không dám bàn tiếp.  Tuy nhiên, trong những từ Hán Việt đã quen thuộc thì chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của những từ ngữ đó để dùng cho chính xác, hầu tránh gây ra những hiểu lầm đáng tiếc- hoặc nói ra những câu vô nghĩa làm cho các bậc thức giả cười chê ta!

Để chỉ người vợ chưa cưới, chúng ta vẫn thường dùng chữ “vị hôn thê”, “vị” đây nghĩa là “chưa”;  có người nghĩ rằng chữ “vị” nghe trang trọng quá nên “khiêm tốn” bỏ bớt chữ “vị” và giới thiệu fiancee của mình “Đây là hôn thê của tôi!” – rất tiếc từ “hôn thê” dùng ở đây là vô nghĩa!

Có một nhà văn khá nổi tiếng ở Saigon, khi viết bài báo nói về mùa Xuân đã có câu đại loại như “Về mùa Xuân, trên cành cây nở ra hằng hà những bông hoa đẹp” – tác giả dùng chữ “hằng hà” với ngụ ý là “có rất nhiều”, nhưng rất tiếc đó cũng là một câu vô nghĩa!  Gốc của từ ngữ này là “Hằng hà sa số” nghĩa là nhiều như số hạt cát trên bờ sông Hằng, bỏ “sa số” đi thì khác nào ta nói “có cửu long bông hoa đẹp”!

Có một lần, một tờ báo ở Saigon đã nêu lên một “thảm họa” vì dùng sai từ Hán Việt : một cô sinh viên khoa báo chí, khi đi phỏng vấn một vị giáo sư đã đặt câu hỏi, và cô đã trả lời : “Theo thiển ý của giáo sư thì . . . . “.  Cô này chưa bị ăn bạt tai kể cũng là may! Bởi vì “thiển ý” là ý kiến kém cỏi, đây là từ ngữ khiêm tốn khi nói về ý kiến của mình, còn với ý kiến của người khác thì phải gọi là “tôn ý” hoặc là “cao kiến” thì mới là đúng phép lịch sự.  Cũng trong ý nghĩa khiêm tốn, khi định trình bày một  ý nghĩ của mình trước cử tọa là các người có học, người ta thường mở đầu là “Tôi thiết nghĩ. . . “, chữ “thiết” ở đây nghĩa là “ăn trộm” vậy “thiết nghĩ” cũng giống như là “trộm nghĩ” để tỏ vẻ mình sẽ nói ra một điều mà “ai ở đây cũng biết rồi”.

Thủa trước, khi mới di cư vào Nam.  Bọn nhóc tỳ Hồ Ngọc Cẩn chúng tôi thường phát sùng khi bị các bạn Miền Nam (nhất là các bạn học sinh trường Mỹ thuật Gia định!) gọi là “Ế bọn Bắc kỳ!”, và ngược lại, các bạn đó cũng rất căm ghét nếu ta gọi lại họ là “Bọn Nam Kỳ”.  Như vậy những từ ngữ Bắc kỳ và Nam kỳ có ý nghĩa gì xấu xa?  Xin thưa ngay là không hề có nghĩa xấu xa gì cả!  vì “Kỳ” chỉ có nghĩa là “xứ sở”; Bắc kỳ là xứ Bắc, và Nam kỳ là xứ Nam, có thế thôi, nhưng vì chữ “kỳ” nó làm cho tai nghe của chúng ta thấy hơi “kỳ kỳ” nên ta mới cảm thấy là bị xúc phạm!  Chắc cũng tránh sự hiểu lầm nghe có vẻ “kỳ kỳ” đó, cho nên thời Bảo Đại đổi lại là Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt;  thời Ông Diệm đổi lại là Bắc phần, Trung phần và Nam phần (Việt minh thì gọi là Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ).

Một vài danh hiệu bằng từ Hán Việt cũng hay bị hiểu sai (không kể những người cố ý hiểu sai như khi gọi Trần Đại vương của chúng ta là “Hôn quân” Trần đức Vịnh vậy!).  Trường chúng ta nằm trên đất Gia Định, vậy có bạn nào hiểu rõ ý nghĩa của từ Gia Định hay chưa?  Xin thưa ngay “Gia” đây không phải nghĩa là “Nhà” mà nghĩa là “Tốt đẹp”;  Gia Định nghĩa là “tốt đẹp và vững chắc”.  Tương tự, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông chọn danh hiệu là Gia Long;  dứt khoát không phải là “Con rồng nằm trong nhà” đâu! Mà ý nghĩa của danh hiệu này “Tốt đẹp và thịnh vượng”.

Tên của người Việt Nam (cũng như người Nhật, người Hàn) thường đặt theo những từ có ý nghĩa hay trong tiếng Hán.  Thí dụ Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak chính là Lý Minh Bác, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ky Moon là Phan Cơ Văn . . . .Còn trong nhóm Hồ Ngọc Cẩn (thuở Trung học Hồ Ngọc Cẩn) của chúng ta đây, tên ai có ý nghĩa hay nhất?   . …………chắc các bạn đã đoán đúng hết rồi : đó chính là tên vị minh quân của chúng ta.  Tên Ngài là Đức Vịnh có nghĩa là suốt ngày Ngài chỉ thích ca ngợi những ai có Tài, có Đức mà thôi! Và như thế, đây chính là niềm vui lớn cho toàn thể thần dân Hồ Ngọc Cẩn của chúng ta, vì tất cả anh em  ta, ai mà chẳng là những bực ”Tài Đức vẹn toàn”!

NGUYỄN THÀNH TƯƠNG



**********************

****************************


CÚ ĐẸP

Chỉ các Người thực Mạnh, Tài cao, Đức trọng mới thực hiện được những cú đẹp. 

Nói đến cú đẹp người ta thường nghĩ đến các cú đá bắt vô lê hay đá phạt trong bóng đá. Đã hẵn rồi, tuy nhiên còn rất nhiều cú đẹp khác nữa như cú đẹp trong đấu võ vật nhu đạo, cú đẹp trong các đối xử nhân đạo ở các nước Mỹ, Pháp, Nhật và Việt Nam. 

Trước hết, chiều theo thị hiếu, chúng ta hãy nói trước tiên đến bóng đá và điều kiện để có những cú đi banh và dứt điểm đẹp. Theo tôi, trong các trận đấu bong tròn, không phải luôn luôn có những cú đẹp, mà chúng còn tùy thuộc vào điều kiện hai bên có ngang tài ngang sức hay không, hay một bên thì quá mạnh, một bên thì quá yếu, do chính năng lực của mình hay do bởi bị xuống tinh thần.

Khi hai bên đối thủ không ngang tài cân sức, thì một bên mặc sức tung hoành, một người thoát xuống qua mặt ba bốn đối thủ, lừa banh qua mặt thủ môn, dễ dàng đưa banh vào khung thành rộng mỡ, và thực hiện những cú đẹp. Như Maradonna, như Pélé, như Zidane… Nhưng khi đối thủ mạnh, lừa banh qua mặt một đối thủ còn chưa chắc đã được, huống hồ là cả rừng hậu vệ hoặc thủ môn tài danh, như Manuel Neuer, đội Bayern Munich Đức, một trong những thủ môn hay nhất thế giới, bốn lần dùng chân phá bóng ngoài vòng cấm trong trận Đức gặp Algeria ngày 30/6 tại World cup 2014.  Hay Thủ môn Romero đã chơi xuất sắc trong loạt sút luân lưu khi cản phá thành công 2 cú đá của Vlaar và Sneijder, giúp Argentina thắng Hà Lan 4-2 trên chấm luân lưu cân não. Trước đó, hai đội hòa nhau 0-0..

*

Trong đá bóng hay trong đấu võ cũng vậy. Khi ra tay đấm một cú direct trực tiếp bạn đã để hở sườn. Một đối thủ yếu sẽ nhận lãnh đủ cú đấm trực tiếp đó, nhưng khi gặp phải một đối thủ ngang tài hay trên sức, chính bạn lại nhận đủ đòn phản công của họ, từ sơ hở tại yếu điểm của bạn. Lấy thí dụ trong Judo, khi Geesink Hà Lan chơi đòn Uchimata, người cao lớn, nghiêng người xuống, hất chân vào háng đối thủ, đá bật lên cao, thì với đối thủ là một người Nhật thấp bé, chịu sao nỗi cú đánh hiễm hóc đó, đành nhận lãnh trọn vẹn ngón đòn và địch thủ đã chiếm trọn một điểm (Ippon). Việt Nam cũng có các đấu thủ Judo như Văn Ngọc Tú và Ngân Giang từng đoạt nhiều huy chương vàng trong các giải thi đấu quốc tế. Tú cũng chuyên đánh đòn Uchimata này. Nhưng một khi gặp phải đối thủ ngang tài sức, thì vào đúng đòn đã là không dễ dàng, lại có thể bị phản đòn và vật ngã ngược lại.

*

Trong văn thơ hay trong âm nhạc, tuy người ta ít gán các cú đẹp trong các lãnh vực này, nhưng trong một bài thơ lớn lao kiệt tác, vẫn có vài vần thơ nổi bật, hoặc trong một bản nhạc bất hủ, ta vẫn có thể yêu thích nồng nhiệt một phân đoạn nào đó. Điều này ta có thể gán cho chúng đó là những cú đẹp, ngón đàn đẹp, vần thơ sầu rụng  ưa chuộng  được không nhỉ ?.

Trong văn thơ

Như trong đại tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta có thể trích ra dễ dàng những vần thơ, những “cú đẹp” sau :

Nói về sắc đẹp :

“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành…”

Về cảnh đời éo le :

Chữ trinh còn một chút này,

Chẳng cầm cho vững, lại giầy cho tan!…”

 

Trong các bài thơ TTKH, há ai chẳng nhớ :

“Nếu biết rằng em đã lấy chồng,

Trời ơi ! người ấy có buồn không...”

 

Trong Le Cid , để mô tả về lòng can đảm anh hùng, Corneille đã viết

“ Je suis jeune, il est vrai, mais aux âmes bien nées…”.

(tôi tuy là trẻ thật, nhưng tâm hồn đã rất già dặn…).

 

Với Ronsard và về sắc đẹp chóng tàn phai :

” Mignonne, allons voir si la rose

Qui ce matin, avait déclose…”.

(Cưng ơi, hãy xem đóa hồng kia, sớm mai vừa nở tối lại tàn”.

 

Lamartine với Le Lac, về cõi trần gian đầy khổ ải này

" Assez de malheureux ici-bas vous implorent,

Coulez, coulez pour eux ;

(Biết bao kẻ chơi vơi trong bể khổ, Cầu dòng nước giúp họ trôi thật mau).

 

 

Hay Alfred de Vigny với cái chết oai hùng của sói trong “La Mort du loup “

Gémir, pleurer, prier est également lâche.

Fais énergiquement ta longue et lourde tâche

(Rên la, than khóc,  xin xỏ, đều là hèn nhát  

Ngươi hãy thực hiện anh dũng những nhiệm vụ dai dẳng và nặng nề…

mà Trời đã ban phát).

 

 

Còn về âm nhạc ư ?

 

Bạn hãy nghe Lam Phương với “Cỏ úa” :

“Một chiều trên đồi em làm thơ 

Cỏ biếc tương tư vàng úa 

Mộng dệt theo đàn bên người mơ 

Mới biết mình yêu bao giờ”

 

Trịnh Công Sơn với Phôi pha

…ôi phù du 

từng tuổi xuân đã già 

một ngày kia đến bờ 

đời người như gió qua…

 

Beethoven với các bản nhạc Lettre à Élise, Symphonie No 5…,

Chopin với các bản Valses, đặc biệt là các khúc ở ton mineur. Hãy nhắm mắt lại và nghe các đoạn arpège réo rắt từ cung đàn. Bạn sẽ cảm thấy phiêu phiêu như đang ở trên Thiên đàng vậy.

 

 *

Các cú đẹp đáng hãnh diện trong xã hội Việt Nam cũng khá nhiều, không ít hơn các cú xấu đau lòng khác đâu. Trước hết là hãy xem các mục cứu trợ trong các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên, cứ một tin có đồng bào quá nghèo nàn, khổ sở, tai nạn, cần cứu giúp là biết bao đồng bào khác xúm tay vào đóng góp, chia sẻ. Thực tế này nhiều không kể siết. Hãy tự kiểm chứng trên các trang báo này, bạn sẽ thấy lòng được thơ thới hạnh phúc cho dân tộc ta.

 

Lại còn các cơ sở từ thiện của các tôn giáo hay của tư nhân. Ấn tượng nhất là nữ ca sĩ Phi Nhung, người đã đi cùng tôi trên chuyến bay Los Angeles-Saigon, từ Mỹ về. Cô đã trợ giúp và thành lập và trông coi một cô nhi viện cho trẻ em nghèo mồ côi VN.

 

Ngoài ra còn có các gian hàng chiêu đãi cơm từ thiện, chỉ có từ 2000 VNĐ đến 5000 VNĐ một suất ăn dành cho các người nghèo ở đủ mọi thành phần và lứa tuổi.

 

Lại còn có những trợ giúp miễn phí, chữa các bệnh ngặt nghèo, như mù mắt, lao, Aids…  từ các cơ sở tôn giáo kết hợp với các bác sĩ thiện chí và thiện tâm, như nhóm “Hành khất Ki Tô” ở thành phố….

* 

Một cú tuyệt đẹp

Đây là một câu chuyện mà mẹ Teresa kể lại trước khi mẹ đi vào thế giới vĩnh hằng

… Sau đó, có lần tôi đón nhận một người đàn ông từ một ống cống, nửa người của anh ta đã bị ruồi nhặng phá hoại. Sau khi mang anh ta về nhà, anh ta chỉ nói: “Tôi đã sống như một con thú và tôi sắp chết như một thiên thần, đã được yêu mến và chăm sóc”, sau đó anh chết vẫn với nụ cười trên môi.

Điều đó quả thật tuyệt vời, anh ta đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bất cứ ai hay so sánh với điều gì. Như một thiên thần - giàu có về lòng thương, tình nhân ái ngay cả khi nghèo khổ về của cải.

* 

Cú Đẹp muốn nói chỉ nhằm đến

Sống hạnh phúc hơn, bạn với ta

Cài Chân Thiện Mỹ trong tâm trí

Thiên đàng bên mình đâu có xa. 

 

VÕ HIẾU NGHĨA

25/7/2014 

 

Mời xem thêm : 

Trang web của VÕ HIẾU NGHĨA và Bạn :

   http://vohieunghia.com/

   http://vhnghia40.blogspot.com/        và

   http://www.ptgdtdusa.com/id1370.html  

   http://daihocsphamsaigon196x.yolasite.com/


*******************************

Dịu Hiền

Dáng em hiền ma soeur

                                                              Ngàn giọt nắng ngủ nhờ

Gió bay ngang thánh giá
Thả về muôn tiếng thơ

Dáng em hiền ni cô
Tiếng chuông rơi chạm hờ
Thôi đừng mong xuống tóc
Tình sao nỡ đi tu

Ngón tay dài nõn nà
Dìu cánh gió bay qua
Gọi thu về qua ngõ
Bông cúc bừng trổ hoa

Mắt em ảo huyền mơ
Sóng nôn nao bến chờ
Bóng chiều neo thương nhớ
Ngọn cỏ dài ngu ngơ

Dáng em về nhỏ thon
Tóc dài ngan ngát hương
Nắng vàng leo dốc ngược
Cho kịp chạm môi thơm

Em về đỏ vành môi
Tình ai nép nụ cười
Giấc mơ hồng hoang tưởng
Phiêu lạc bóng chiều trôi

 Trầm Vân


**************************************

TRƯỜNG HUỲNH
tưởng nghĩ về Chu Văn An

Áo xanh am cỏ Đình Văn cũ
Nhất hồ thế giới bất tri thu"
Trường Huỳnh nặng nỗi đau nhân thế
Một án thư treo vách sương mù.

 

TRƯỜNG SỸ TÃI

Hai tháng học, nhớ hoài trường Sỹ Tãi
Dù khói sương cát bụi lấp lối về.
Mùa phượng vĩ nở buồn qua trí tưởng.
Thầy Cô xưa ẩn hiện trong giấc mê.

Thầy Kiêm giảng khởi đầu “Nhành lúa mới”,
Cùng chúng tôi nhìn lại góc quê hương.
Giặc càn quét đạn bom cày nát đất.
Dân đen về xuống mạ những đêm trường.

Cô Linh vẽ “Đường cây xanh” tít tắp.
Tuổi thơ tôi theo nét cọ về xa,
Thả mơ ước vào khung trời an tịnh.
Để xuân thu màu sắc tự phai nhoà

Thầy Hiệu Trưởng chân tình ngày khai giảng:
”Cần thành tâm học hỏi để làm người.
Nhân bất học, tức thị, bất tri lý.
Học với thầy với bạn, học ở đời “.

Trường Sỹ Tãi giúp tôi vào Đệ Thất,
Cho lòng tôi nhận ra nghĩa nhân văn.
Nơi thăm thẳm giữa muôn trùng thiện ác,
Lời Hiền Nhân như tiếng vọng vĩnh hằng.

        Sài Gòn, 1974.


**********************

                                                            GHI NHỚ                                                                   

Xưa mái trường thôn dưới chân đồi.
Giữa miền hoang thảo dòng sông trôi.
Lời cô thầy thấm trong nghĩa chữ.
Một thuở hồn nhiên lay lắt tôi.

         ĐOÀN THUẬN

********************

CÔ TÔI
kính tặng cô Lê thị Bích, cô Khưu Sỹ Huệ

Một mùa học nữa lại đi qua
Vần đứng thản nhiên cây phượng già
Đâu biết trong ta bao thương nhớ
Cô của ta xưa bao ngày xa.

Vẫn nhớ ngày nao thuở ấu thơ
Câu chữ đầu đời lời ngây ngô
Ngọng nghịu đánh vần tên đất nước
Nắn nót từng dòng theo tay cô.

Ta được lớn khôn giữa đất trời
Nhờ dòng sữa Mẹ ru bên nôi
Cô dắt dìu đi từng bước nhỏ
Từ lớp học xưa vào cuộc đời.

Năm tháng dần qua như cát bay
Còn nguyên nỗi nhớ một phương này
Cô như người Mẹ thời bé bỏng
Nuôi lớn hồn ta đến hôm nay.

        Mỹ Tho, 1972
        ĐOÀN THUẬN



***************************

Gọi Em :Trò Nhỏ

Gọi em trò nhỏ thế thôi
Dẫu nay mái tóc rối bời sợi sương
Nhớ xưa nghiêng cặp đến trường
Đôi tà áo lượn phố mòn mắt trông
Nắng rơi thắt chiếc nơ hồng
Tóc dài thanh khiết xanh lòng gió mây
Đến trường lễ phép thưa thầy
Khiêm cung nhẹ khép vòng tay kính mừng
Thầy kêu lên bảng run rung
Trả lời câu hỏi ngập ngừng làn môi
Dịu dàng là dáng em ngồi
Thơ ngây là tiếng em cười nghiêng hoa
Một thời bé bỏng trôi qua
Nhu mì ánh mắt thật thà dễ thương
Tóc bay chưa lấm bụi đường
Tim non chưa vướng nỗi buồn thế gian
Niềm vui giấu giữa ngăn bàn
Trái me trái mận sắp hàng giấu bên
Giấy thơm nét mực tím mềm
Vòng vèo vẽ tuổi thần tiên ngày vàng

Gọi em trò nhỏ dịu dàng
Dẫu nay tuổi đã bước sang thu rồi
Tóc buồn ngấn lá vàng rơi
Mãi nghiêng sợi nhớ qua thời trường xưa


 Trầm Vân


***********************************